Thay đổi cách tiếp cận cuộc sống: Luôn bắt đầu từ bên trong!
Từ hàng ngàn năm nay, người ta đã nhận ra một trong những vấn đề lớn nhất của con người, đó là việc dù chúng ta có đạt được điều gì đi chăng nữa thì chúng ta vẫn cảm thấy không hạnh phúc. Tôi không có ý định tập trung vào việc định nghĩa hay tranh luận xem hạnh phúc là gì, tôi chỉ muốn nêu ra những suy nghĩ của mình một cách đơn giản nhất và cố gắng tìm hiểu tại sao con người không hạnh phúc.
Hạnh phúc theo tôi hiểu là một trạng thái cảm xúc, những cảm xúc thể hiện sự mãn nguyện hài lòng và bình an trong nội tâm. Dựa trên cách hiểu này, tôi cho rằng nếu bạn có đạt bất kể thành tích nào mà bạn không có những cảm xúc hài lòng và bình an đó thì không thể gọi bạn là người hạnh phúc.
Có thể nói một cách khách quan, hầu như mọi người chúng ta đang sống, luôn sống trong tình trạng bất an hơn là bình an. Chúng ta luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi không biết sẽ có một điều gì đó không tốt xảy ra với mình. Chúng ta thường nghĩ đến những điều “không tốt” hơn là nghĩ đến những điều “tốt”.
Theo Eckhart Tolle, tác giả cuốn sách bestselling book “Thức tỉnh mục đích sống” thì sở dĩ con người ta luôn rơi vào tình trạng như vậy là vì trong mỗi con người luôn tồn tại hai con người: Con người đau khổ – bản ngã hay cái tôi giả tạo, Con người hạnh phúc – Cái tôi chân thật hay nhận thức.
Cả hai con người này trong bạn luôn kèn cựa và chiến đấu với nhau trong từng giây phút. Cái tôi giả tạo là kẻ ích kỷ nhỏ mọn, thích “chiến thắng” và sẽ luôn cảm thấy mãn nguyện mỗi khi bạn đau khổ. Cái tôi chân thật chính là cái “ai” của bạn là người luôn muốn mọi điều tốt đẹp xảy ra với bạn cũng như với tất cả người khác. Khi nào bạn thật sự bình an, đó là lúc cái tôi chân thật hay cái “ai” thật sự của bạn đang là người chiến thắng.
Cuộc sống ngày nay ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng, nó làm cho bạn có nhiều stress hơn là bình an. Sở dĩ có điều đó là do cách chúng ta đang tiếp cận cuộc sống một cách sai lầm. Nói đến điều này, tôi nghĩ rằng lỗi không phải hoàn toàn từ phía chúng ta mà do nhiều yếu tố: văn hóa, giáo dục, truyền thông, gia đình và đặc biệt là cách nghĩ của nhân loại. Chúng ta thường tiếp cận cuộc sống từ bên ngoài theo 3 cách sau đây:
1. Xác định giá trị của bản thân bằng cách so sánh mình với người khác.
2. Chúng ta xác định giá trị bản thân dựa trên những hình ảnh xã hội như giàu có, tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực, nổi tiếng…
3. Chúng ta thường đặt tiêu chuẩn phấn đấu của bản thân theo tiêu chuẩn của người khác mà không phải của chính mình.
2. Chúng ta xác định giá trị bản thân dựa trên những hình ảnh xã hội như giàu có, tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực, nổi tiếng…
3. Chúng ta thường đặt tiêu chuẩn phấn đấu của bản thân theo tiêu chuẩn của người khác mà không phải của chính mình.
Theo tôi, nếu chúng ta cứ tiếp tục tiếp cận cuộc sống theo cả 3 cách trên, cho dù bạn có đạt được bất kể thành tích nào đi chăng nữa, bạn cũng sẽ vẫn không bao giờ cảm thấy bình an trong nội tâm của mình. Tôi không phủ nhận những giá trị hay thành tựu do con người tạo nên nhưng tôi đặt sự bình an và hạnh phúc lên trên tất cả những gì chúng ta làm và chúng ta đạt được.
Để có thể bình an trong nội tâm, đơn giản là chúng ta chỉ cần thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc sống. Đó là “Luôn bắt đầu từ trong ra ngoài”. Bạn phải xuất phát từ chính nội tâm của bạn, bạn phải bắt đầu từ việc khám phá bản thân.
Theo T Harv. Ecker thì “Gốc rễ tạo nên cây trái”. “Gốc rễ” ở đây chính là những gì đang diễn ra bên trong bạn, “Cây trái” chính là kết quả của bạn bao gồm thành tích, sức khỏe, danh tiếng, gia đình, hôn nhân, sự nghiệp…mà bạn đang có.
Chúng ta đang sống ít nhất trong 4 thế giới. Thế giới vật chất, tư duy, cảm xúc và tâm linh. Trừ thế giới vật chất thì 3 thế giới còn lại là ở “bên trong” bạn, bạn không nhìn thấy được nhưng chúng lại quyết định thế giới “thành tích” của bạn. Những gì “bên trong” sẽ quyết định cái “bên ngoài”. Những gì không nhìn thấy được sẽ quyết định cái nhìn thấy được. Chúng ta phải bắt đầu từ cái vô hình, đó là cách nghĩ, niềm tin và cảm xúc hay lương tâm của chính mình.
Vậy cái gì thực sự là “gốc rễ”? Đó chính là cách bạn “nhìn” thế giới và “giải thích” thế giới đó theo cách nhìn của bạn. Vấn đề hết sức đơn giản nhưng lại vô cùng nan giải đó là hầu như mọi người không hề hiểu thực sự “cách nhìn” của mình là gì và như thế nào. Mỗi một người có một cách nhìn, chẳng ai giống ai. Bạn phải biết được điều đó từ bản thân mình.
Khi bạn hiểu được cách nhìn nhận cũng như cách bạn giải thích thế giới bạn sẽ hiểu được rõ bản thân mình và người khác. “Cách nhìn” chính là cách bạn nghĩ, cách bạn nhận thức, cách bạn hiểu về chính bạn và thế giới mà bạn đang sống. Hiểu được cách nhìn của mình bạn sẽ khám phá ra con người của bạn. Bạn sẽ biết được bạn là ai, bạn coi trọng điều gì, điểm mạnh của bạn là gì, bạn căm ghét điều gì nhất, điều gì làm bạn đam mê, điều gì làm bạn đau khổ.
Khi hiểu rõ cái “bên trong” của bản thân mình, bạn sẽ có thể vững tin tìm ra con đường đi cũng như cách sống phù hợp với chính bản thân mình. Bạn không cần phải so sánh mình với người khác, bạn có quyền lựa chọn bất kể điều gì bạn cho là đúng, bạn làm mọi việc mà không hề sợ hãi “người khác đang nghĩ gì về mình”. Bạn là người làm chủ và quyết định số phận của mình, chứ không phải là quân cờ hay con rối để người khác giật dây. Hay nói tóm lại, bạn không cần phải “học đòi”.
Hãy bắt đầu từ việc thay đổi cách tiếp cận cuộc sống: Luôn bắt đầu từ trong ra ngoài!
Nguyễn Tuấn Anh- ceo: Todaytv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét