Nếu như “đọc” là việc có thể thay đổi nhận thức và định hướng của một con người, đưa người ta đến thế giới khác. Thì “viết” chính là việc quan trọng hàng đầu giúp chúng ta điều khiển và kiến tạo cuộc sống của riêng mình. Giúp chúng ta sống tốt hơn những người bình thường xung quanh: một cuộc sống ý nghĩa, ngập tràn niềm vui và tận dụng được kho báu thời gian hiệu quả nhất.
Phần lớn chúng ta đều biết viết nhưng lại quá coi thường và lãng quên việc viết. Viết là một việc đơn giản, nhưng viết gì và viết sao cho hiệu quả và làm thay đổi cuộc đời thì không phải ai cũng làm được. Tôi đã mất nhiều năm trải nghiệm và thực hành để có thể đúc lại những tác dụng tuyệt vời của việc viết nói chung và viết vào một cuốn sổ tay nói riêng sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào. Tin vui là chỉ cần đọc hết bài viết này và kiên quyết làm theo từng bước dưới đây, chắc chắn bạn cũng sẽ làm được và có thể bắt đầu công cuộc kiến tạo cuộc sống của riêng mình.
Sau đây là những việc bạn có thể làm với cuốn sổ tay này, hãy viết, hãy nháp, hãy gạch xóa hay xé bỏ, không quan trọng. Miễn bạn có thể duy trì thói quen viết và sử dụng sổ tay, cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Tôi tin điều này, vì có nhiều bạn làm theo tôi, và họ phản hồi rằng cuộc đời họ đã thật sự thay đổi.
1. Chiến lược cuộc đời: mục tiêu, kế hoạch, thời gian
“Nếu bạn không tự xây ước mơ của bạn
Người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”– Tony Gaskins
Lập chiến lược cuộc đời chính là bước đầu tiên để bạn bắt tay xây dựng ước mơ của riêng mình. Mục tiêu là bản thiết kế ngôi nhà tương lai của bạn và kế hoạch chính là cách thức để bạn đạt được điều đó. Còn nếu bạn đã có chiến lược cuộc đời cho riêng mình trong trí óc và bạn tự hỏi tại sao phải viết ra ư? Thì hãy nhớ câu nói này: “Mục tiêu mà không được viết ra trên giấy và không được nhìn thấy mỗi ngày, đó không phải là mục tiêu, mà chỉ là ước muốn.”
Có người đã nói rằng, chỉ cần bạn có thể lập mục tiêu và lên kế hoạch cho bất cứ thứ gì, sau đó viết được nó ra, là bạn đã có thể coi như hoàn thành được 50% kế hoạch rồi. Một bước đơn giản giúp bạn đi nhanh hơn nửa đường so với những người khác, thì tại sao lại không chứ?
Xây một kế hoạch cho mục tiêu của bạn, cũng giống như việc bạn lên kế hoạch để xây ngôi nhà mơ ước của chính mình. Để xây ngôi nhà đó, bạn bắt buộc phải có một bản vẽ thiết kế, bản vẽ sẽ mô tả chi tiết nơi nào là phòng ngủ, nơi nào là phòng khách, nhà bếp ở đâu, cầu thang như thế nào. Để các thợ xây dựa vào bản vẽ đó mà làm móng và đắp từng viên gạch hoàn thành ngôi nhà cho bạn. Giả sử mỗi viên gạch đắp lên chính là một ngày trôi qua trong cuộc đời để bạn đạt được mục tiêu. Ngôi nhà của bạn sẽ ra sao nếu như không có bản thiết kế nào, không có một nhà kỹ sư nào chỉ dẫn những người thợ. Họ sẽ không thể hoàn thành ngôi nhà được, hoặc nếu có thì cũng sẽ rất mất thời gian và không đạt được yêu cầu thẩm mỹ.
Cuộc đời bạn cũng vậy, không có bản vẽ định hướng và mô tả mục tiêu thì bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian và công sức để đạt được điều bạn muốn? Nó có như ý bạn không hay sẽ lệch hẳn đi mà chính bạn cũng không biết, vì có gì để so sánh đâu mà biết có như ý mình hay không. Thế nên, đừng xem thường sự quan trọng của một bản vẽ nhỏ bé, đừng xem thường sức mạnh của bản kế hoạch giúp bạn đạt mục tiêu.
Tôi được làm quen với cụm từ “chiến lược cuộc đời” khi tham gia một khóa học kỹ năng mềm cực kỳ thú vị. Ở đó chúng tôi được hướng dẫn đặt mục tiêu mình mong muốn và lên kế hoạch để đạt được điều đó. Chắc chắn tôi phải cảm ơn buổi học này rất nhiều, vì nó giúp cuộc đời tôi trở nên ngay ngắn, rõ ràng và dễ dàng hơn rất nhiều.
Bản thân cụm từ “chiến lược cuộc đời” nghe mới hay ho làm sao. Nghe thật là oách, thật là chuyên nghiệp và cũng vô cùng trách nhiệm nữa. Tôi rất thích cụm từ này. Chiến lược là một hệ thống gồm các chiến thuật và mưu kế để bạn đạt mục tiêu, đôi khi là thắng một cuộc chiến, đôi khi là ngăn ngừa một hiểm họa, và trong trường hợp này là giúp bạn đạt được mục tiêu và ước muốn của mình.
Hãy hình dung con người bạn muốn trở thành sau 5, 10 hay 20 năm nữa trông như thế nào và vẽ nó ra. Chép nó vào những trang đầu tiên của cuốn sổ, vì nó chính là hải đăng cho cuộc đời bạn.
2. To-do-list: danh sách việc làm mỗi ngày
Chỉ cần mỗi ngày bạn biết mình phải làm gì và bạn làm theo nó. Tôi hứa bạn sẽ không bao giờ còn cảm thấy thời gian trôi qua vô nghĩa hay cảm thấy một ngày nào nhàm chán trong cuộc đời bạn nữa.
Hãy đọc lại đoạn này trong bài viết “những việc làm đơn giản”
“Cho dù đi bất cứ đâu, hãy mang cuốn sổ theo bên mình, rất gọn nhẹ và đơn giản, bạn có thể bỏ vào balo, cặp táp, ví tiền hoặc cốp xe, đâu cũng được nhưng hãy luôn mang nó theo bên mình. Cuốn sổ của tôi, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường lên danh sách những việc “tôi muốn mình sẽ làm” trong ngày tiếp theo. Nó như một cuốn sổ nhắc nhỏ vậy. Hãy viết ra tất cả việc bạn cần phải làm, muốn làm và nên làm (dù không muốn) trong cuốn sổ đó, như một kiểu lên lịch, thời gian biểu vậy.”
Ngoài những công việc chính lớn lao: làm hàng hóa, đọc sách, viết bài, nghiên cứu chủ đề này kia, đi công việc này nọ… đôi khi những việc tôi ghi vào danh sách lại nghe chừng lại rất vớ vẩn: Giặt đồ, dọn dẹp phòng, gọi điện cho mẹ, hỏi thăm cô bạn thân, đi làm tóc, đổ xăng, mua một cuốn sách, bấm móng tay… Không thể liệt kê hết những việc tôi muốn làm mỗi ngày vì chúng quá lắt nhắt. Bất cứ khi nào nghĩ thêm ra được việc gì cần làm hôm nay hoặc ngày mai tôi lại bổ sung ngay vào danh sách. Và mỗi khi làm xong một việc, tôi gạch dòng công việc đó đi. Bạn biết không, cảm giác cuối ngày nhìn lại mớ việc mình đã hoàn thành tôi thường xuyên cảm thấy bất ngờ về khối lượng việc mình đã làm được. Một cảm giác rất tuyệt vời, không, phải là cực kỳ tuyệt vời.
Tôi treo câu nói này nơi bàn làm việc: “Một ngày trôi qua vô ích là khi cuối ngày bạn cảm thấy mình chẳng làm được gì cả.” Điều đó thật sự đúng với tôi, mỗi ngày khi hoàn thành những công việc to tát hay lẻ tẻ nhỏ bé mình đề ra, tôi cảm giác vui sướng như mình đang ở đỉnh thế giới vậy. Còn một ngày khi lười biếng không viết bản danh sách, y kỳ ngày đó tôi chẳng làm được việc gì ra hồn cả. Chắc chắn đó sẽ là một ngày lang thang hết trang tin tức này đến trang tin tức kia, chăm chú hết bộ phim này qua bộ phim nọ. Cảm giác ngồi đọc tin tức hay xem phim cả ngày thì rất tuyệt. Nhưng đến cuối ngày tôi luôn thấy dằn vặt vì mình đã lãng phí thời gian thật vô nghĩa.
Tôi phát hiện ra rằng, khi mình viết những công việc cần làm ra giấy, mình không cần nhớ gì nữa, chỉ cần làm theo danh sách thôi. Không biết trí óc các bạn thế nào, chứ trí óc tôi cực kỳ tệ hại. Nếu tối nay tôi nghĩ ra 5 việc mai mình sẽ làm mà không ghi lại, chắc chắn hôm sau tôi sẽ chẳng nhớ gì tới những việc đó hoặc chỉ hoàn thành được 20-50% mà thôi. Còn khi viết chúng ra, khả năng hoàn thành những việc đó luôn đạt mức 70-100%. Luôn là như thế. Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Kỳ diệu hơn là việc này lại tuyệt đối đơn giản.
Hơn nữa, khi viết danh sách việc làm, chúng ta có xu hướng quyết tâm hơn để hoàn thành nó, có xu hướng mạnh mẽ hơn để vượt qua các cám dỗ xung quanh để sử dụng thời gian và năng lượng một cách tối ưu và hiệu quả hơn đa phần mọi người. Khi viết ra việc cần làm, sẽ có một sức mạnh vô hình nào đó khiến ta luôn chú ý tới nó, mong muốn hoàn thành nó, để được gạch đi cho đỡ ngứa mắt, để được tận hưởng cảm giác bản thân là một người giữ lời hứa, dù cho chỉ là lời hứa với chính mình. Đó thực sự là một hành động tuyệt vời bạn có thể thử ngay lúc này.
Hãy viết vào những trang tiếp theo danh sách công việc bạn cần làm vào ngày mai. Ngay!
Hãy lưu trữ những ý tưởng của bạn vì một ngày kia có thể nó sẽ thay đổi thế giới
Bạn biết đấy, thế giới này được hình thành như hôm nay, tất cả đều bắt nguồn từ một thứ vô cùng quan trọng: Ý tưởng. Mọi thứ đều cần ý tưởng mới được hoàn thành. Thế giới này có thể không thiếu gì, nhưng sẽ luôn luôn đói khát những ý tưởng mới. Mọi ngành công nghiệp từ tay chân thuần túy cho đến trí óc, mọi người lao động từ làm thuê tới làm chủ hay tự lập nghiệp đều cần những ý tưởng mới. Ý tưởng là thứ tuyệt đối quan trọng với chúng ta và cả thế giới này. Thế nhưng ý tưởng lại không thường xuất hiện khi ta cần nó xuất hiện hay khi ta tập trung suy nghĩ vò đầu bứt tóc.
Ý tưởng thường là những giây phút thành thần đến bất chợt, khi ta đọc báo, khi tắm, lúc ăn cơm, dừng đèn đỏ hay thậm chí khi ta đang ngồi trên… toilet. Chúng ta thường nói mình không có ý tưởng gì, không phải vì ta không có ý tưởng gì, mà vì ta đã không chộp lấy khi ý tưởng nảy ra để rồi ngay phút giây sau nó đã trôi tuột đi mất. Chúng ta không chộp lấy vì quên hoặc vì giây phút đó ý tưởng nghe có vẻ khôi hài và không thực tế…
Rất nhiều lý do biến ta thành những người cù lần, không sáng tạo, không ý tưởng, cả đời chỉ sống bám vào ý tưởng của những người khác. Ta dùng internet, điện thoại, mạng xã hội, thực phẩm, thuốc men, dịch vụ… tất cả mọi thứ ta dùng mỗi ngày đều là những ý tưởng của người khác. Và chẳng có gì ngạc nhiên, ta dùng ý tưởng của họ, họ giàu có, ta nghèo nàn.
Thế nên, việc bạn cần làm, đơn giản chỉ là hãy chộp lại và ghi nhớ mọi ý tưởng từng nảy ra trong đầu bạn. Có thể ngay lúc đó nó mơ hồ và ngớ ngẩn, đừng lo lắng, cứ chộp hết chúng lại, nhét ngay vào cuốn sổ tay. Sau một thời gian, hãy đọc lại những ý tưởng đó và chép vào một cuốn khác tạm gọi tên là sổ ý tưởng của riêng mình. Cuốn sổ này bạn hãy cất cho kỹ, khi nào nhớ thì lôi ra đọc. Chắc chắn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình lại có nhiều ý tưởng đến như vậy.
Có những cái đã trở thành thực tế ngoài kia, người khác đã làm sản phẩm đó và kinh doanh nó rất thành công, cũng có những cái đọc đi đọc lại bao nhiêu lần vẫn thấy ngớ ngẩn. Không sao cả, tôi tin chắc sẽ có một ngày một trong những ý tưởng đó trở thành sự thật. Tôi có vài cuốn sổ chuyên thu gom những ý tưởng, tôi cũng hay tự thừa nhận mình là công ty ý tưởng vì tôi có rất nhiều. Không phải tôi sáng tạo hay thông minh hơn người khác, chỉ là tôi luôn biết cách giữ chúng lại khi người khác ném đi hay lãng quên vì những ý tưởng thường xuất hiện quá bất chợt.
Tất cả là nhờ cuốn sổ tay tôi luôn mang bên mình để luôn kịp ghi chép lại mọi ý tưởng khi chúng nảy đến. Đó chính là lý do khiến tôi luôn tự tin và không bao giờ lo sợ cả. Dù cho tình trạng thất nghiệp tăng cao, dù cho thế giới khủng hoảng kinh tế, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra. Tôi cũng sẽ không lo sợ, vì tôi không phụ thuộc vào những thứ đó, vì tôi luôn có những ý tưởng kinh doanh của riêng mình nên chẳng bao giờ sợ thất nghiệp hay bị đuổi việc cả. Không bao giờ. Tôi tự do. Tất cả những cảm giác này, làm sao tôi có được nếu không duy trì thói quen viết sổ tay của mình?
Không chỉ những ý tưởng của bản thân, bạn hoàn toàn có thể chép lại mọi ý tưởng hay ho của người khác hay những ý tưởng bạn đọc được nghe được từ cuộc sống. Nhiều người có ý tưởng rất hay nhưng vì không bắt tay vào hành động thì ý tưởng đó của họ cũng trở nên vô nghĩa. Và lúc này, như mọi lúc khác, thời cơ là của bạn.
Dùng sổ tay để điều khiển, kiểm soát cảm xúc cũng chính là kiểm soát cuộc đời
Trong khi phần lớn mọi người thường chỉ sống qua ngày và chờ đợi mọi thứ xảy đến, rồi bị kiểm soát hoàn toàn bởi các thể loại cảm xúc khác nhau, đa phần là cảm xúc không mong muốn. Thì chính bạn, hãy đứng lên, tự tìm kiếm cho mình những cảm xúc bạn mong muốn, vui vẻ ư, hạnh phúc ư, hài lòng ư, tất cả đều có thể kiếm được. Hãy lên kế hoạch, hãy xác định ranh giới và chuẩn bị tinh thần cho mọi vấn đề. Có điều này, bạn nhất định không được quên, rằng bạn, chính bạn, chứ không phải ai khác là người kiểm soát cuộc đời mình, kiểm soát cảm xúc của mình. Cuốn sổ tay này có thể giúp bạn làm được điều đó như thế nào?
Hãy viết mọi điều khó nói vào sổ tay của bạn, có thể là lời yêu thương, lời oán giận hay thậm chí là hận thù, viết được điều khó khăn đó tâm trí bạn sẽ thanh thản hơn rất nhiều, duy trì thói quen viết, bạn sẽ thấy viết suy nghĩ của mình thật là dễ dàng và có tác dụng khủng khiếp. Thói quen viết giúp bạn tin tưởng hơn vào những suy nghĩ của chính mình, giúp bạn nhìn thấy con đường đạt mục tiêu trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, hay thậm chí những cảm giác tiêu cực như hận thù oán ghét cũng dễ tan biến hơn, kiểu như nỗi lòng được trút ra hết vậy. Vô cùng thanh thản.
Nếu như một lời khen của ai đó khiến bạn thích thú và yêu đời. Hãy nhân cảm giác đó lên, bằng cách viết chúng lại và thỉnh thoảng lại đọc lại những lời khen đó, nhất là khi buồn. Bạn cũng có thể ghi chép chúng vào cuốn sổ tay tập hợp những lời khen người khác dành cho mình. Và mỗi sáng thức dậy, hãy nhìn và đọc nó, đảm bảo ngày mới của bạn sẽ luôn vui tươi. Cách này nghe có vẻ hơi vớ vẩn con nít hả. Nhưng tin tôi đi, nó rất hiệu quả đấy.
Còn giả như bạn ghét ai, hãy viết ra sổ tại sao bạn ghét họ, việc này sẽ tốt hơn nhiều so với việc bạn đi nói xấu ai đó. Vì những dòng chữ này, một lúc nào đó bạn đọc lại bạn sẽ cảm thấy mình thật ấu trĩ và trẻ con. Bạn chỉ cần xé tờ giấy và vứt đi như một tờ nháp là xong. Còn khi bạn chọn cách nói ư? Hãy tin rằng khi bạn nhận ra mình ấu trĩ thì lời nói xấu đó đã đến tai người cần nghe rồi. Nói xấu người khác không chỉ không khiến họ xấu đi, mà cũng không khiến bạn tốt hơn chút nào.
Chúng ta không thể sống mà không oán ghét hay thù hằn ai. Nhưng xin hãy giữ những lời nói xấu, những suy nghĩ xấu đó chỉ cho riêng mình và cuốn sổ tay biết mà thôi. Đừng nói nó ra, bạn làm được chứ? Hãy trút những cảm giác tiêu cực vào sổ ấy, chúng không nhiều chuyện, không oán trách, không giận hờn bạn đâu. Và sẽ có lúc bạn phải cảm ơn vì mình đã chọn cách viết và xé, thay vì nói và để miệng đời cuốn đi.
Nếu như bạn thất vọng về bản thân mình, hãy viết ra. Nếu như bạn buồn về cách cư xử của một người bạn mà không thể nói với họ, hãy viết nó ra. Nếu như bạn đang ngập tràn lòng tự hào về bản thân, cũng hãy viết nó ra. Công bằng mà nói, bạn có thể viết bất cứ thứ gì trên đời. Nếu như việc viết ra cảm xúc mang lại kết quả tốt đẹp như thế, sao bạn không thử chứ?
Phân tích mọi chuyện: lợi hại, đúng sai, tốt xấu
Từ chuyện tình yêu! Nếu một ngày bạn thích hoặc yêu ai đó, hãy cầm giấy bút, viết ra những lý do vì sao hai người nên yêu nhau, những điểm tương đồng và những điều bạn yêu mến ở họ. Viết ra được những điều này, hoặc bạn sẽ có thêm can đảm để tỏ tình với người ta, hoặc là sẽ thêm quyết tâm ở bên người ấy cả đời, khiến cho tình yêu thêm bền chặt..
Nhưng nếu như chuyện tình cảm không tốt đẹp, hai bạn chia tay. Bạn hãy viết về những điểm khác biệt giữa hai người, từ tính cách, hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, quan điểm sống… Rồi viết ra những lý do tại sao mối quan hệ này nên chấm dứt từ lâu. Viết ra những điều bạn không hài lòng, không thích hay thậm chí là rất ghét của người đó mà trước giờ bạn bị tình yêu làm cho mù mắt. Viết cả những lỗi lầm của họ mà bạn từng bỏ qua hay chưa bỏ qua được. Việc làm này sẽ khiến bạn bớt dần đi sự đau khổ nuối tiếc một cách nhanh chóng.
Đặc biệt nhất, cũng trên chính trang giấy này. Hãy tưởng tượng và vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi đẹp, về tất cả những gì bạn có được và có thể làm, đạt được khi chia tay con người đó. Đó là một thế giới mới, bạn sẽ xinh đẹp hơn, sẽ có nhiều mối quan hệ thú vị, sẽ tìm được người cùng sở thích, một người khác mạnh mẽ hơn, một ai đó bảnh bao hay xinh xắn hơn người cũ thật nhiều. Một người mà mai này anh ta có nhìn thấy sẽ phải tiếc nuối và ghen tỵ… Đúng rồi, hãy viết ra những điều đó, tất cả những điều đó.
Đầu tiên, khi viết ra những lý do việc chia tay là đúng đắn bạn sẽ bớt đau khổ hơn khi trí óc bắt đầu kiềm chế được những cảm xúc vụn vỡ nơi trái tim. Sau đó, viết tiếp những điều tệ hại ở anh ta khiến bạn ghét cay ghét đắng hoặc không ưa nổi. Bạn lại tiếp thêm cho lý trí của mình sức mạnh, đồng thời như một thông điệp ngầm gửi đến trái tim cho bạn thấy mình đang yếu đuối ngu si tới mức nào. Sau cùng khi nghĩ về một tương lai tươi sáng với một người nào đó tuyệt vời hơn, xứng đáng hơn với những cơ hội mà bạn có thể có được trong tương lai.
Trí óc bạn lúc này hoàn toàn mạnh mẽ và chiếm được phần lớn ưu thế trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Không những thế, trái tim của bạn sẽ lại bắt đầu lành lặn, bắt đầu khỏe mạnh và sẵn sàng cho những điều mới mẻ bạn đã hứa. Hãy viết ra những điều này và nếu cần thiết, hãy đọc đi đọc lại nó như một kiểu tiếp nhiên liệu cho tâm trí và trái tim của bạn vậy. Mọi việc đều rõ ràng mạch lạc, giấy trắng mực đen. Bạn thậm chí có thể không tin được mình lại mạnh mẽ như thế nào đâu. Và lúc này, bạn có thể hoàn toàn kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình khi nghĩ về người đó. Không còn đau khổ khóc lóc, không còn sợ hãi lo âu.
Chuyện phân tích tình cảm như trên chỉ là môt ví dụ, sự thật là bạn có thể phân tích mọi thứ trên đời. Một công việc, một kế hoạch, một con người, một điểm du lịch… Hãy tập thói quen phân tích mọi thứ ở cả 2 khía cạnh, mặt tích cực lẫn tiêu cực. Rồi thì mỗi ngày trôi qua bạn lại có thêm những cái nhìn đa chiều thú vị về mọi sự việc trong cuộc sống. Nhìn được mọi thứ theo cách đa chiều, đó là bước đầu tiên biến bạn thành người hiểu biết. Không còn thiển cận, không còn thầy bói xem voi nữa. Ai mà không muốn mình là một người hiểu biết chứ đúng không?
Dùng sổ tay để học tập: ghi tên một cuốn sách, một chủ đề chợt nghĩ đến hay những lời khuyên
Trở thành người hiểu biết là một trong những mục tiêu ai cũng mong muốn trở thành. Nhưng bạn không thể nào trở thành người hiểu biết được, nếu như tất cả những gì bạn biết chỉ là những thông tin chính thống trên báo đài. Ở nơi khác nơi có tự do báo chí thì có thể, nhưng ở một đất nước mà truyền thông bị quản lý và dẫn dắt thì không.
Bạn muốn hiểu biết ư? Đừng chỉ đọc báo chí, đừng chỉ đọc những trang tin tức vớ vẩn tốn thời gian. Bạn cần rèn luyện trí óc mình cho thật sắc bén và tăng cường vốn hiểu biết của bản thân. Bởi khi là một người hiểu biết và suy nghĩ nhạy bén, sẽ chẳng ai có thể nói những thứ bịp bớm ba hoa hay lừa đảo bạn. Mà những cơ hội và thành công sẽ đến với bạn rất nhiều. Hãy mở rộng trí óc ra, đừng tầm thường hóa nó bằng những tin tức giật gân vớ vẩn mông, ngực, lộ hàng, đường cong nóng bỏng hay những phát ngôn gây sốc của mấy cậu chàng cô nàng sâu bít nữa.
Tất nhiên tôi không bắt bạn phải bỏ hẳn những trang tin tức bạn yêu thích, chỉ là đừng quá sa đà vào nó mà hãy tận dụng nó để làm tăng vốn hiểu biết của mình. Mỗi ngày khi đọc tin tức hoặc đọc từ những cuốn sách hay các chia sẻ của bạn bè trên facebook, nếu như xuất hiện một chủ đề nào đó làm tôi băn khoăn, một chủ đề tôi chả hiểu gì hay một chủ đề nào đó tôi thấy thú vị… Tôi sẽ ghi chúng ra thành một việc phải làm trong danh sách việc làm, và quyết tâm tìm hiểu chúng.
Tôi từng tìm hiểu về những chủ đề như là nông nghiệp Việt Nam, cây macca- hoàng hậu các loại hạt, óc chó- vua các loại hạt, rồi tìm hiểu về thế giới như là văn hóa Nhật Bản, những điều kinh ngạc về kinh tế Israel, về mô hình giáo dục thiên đường của Thụy Điển, về những người nông dân Ấn Độ, cho tới những chủ đề lớn lao như triết học, chính trị, thực phẩm biến đổi gien…
Mới đây như hôm qua tôi nghiên cứu về cách làm rau câu 3D, một món rất hot mùa thu này và hôm nay thì tôi tìm hiểu về loại xe đạp không bàn đạp balance-bike… Mỗi ngày một chủ đề, tôi cảm thấy mình thật ngô nghê và thiếu kiến thức trầm trọng. Tôi nhận ra hai mươi mấy năm trời mình thật sự chẳng hiểu gì về cuộc sống, kinh tế và thế giới cả. Cứ thế mỗi ngày tôi lại càng hiểu biết hơn với nhiều thông tin chất lượng hơn, không còn ham mê chút gì về những tin tức tầm thường bát nháo nữa.
Mỗi khi đọc được một từ hay ho, một chủ đề lạ lẫm và tìm hiểu về nó tôi cảm giác trí óc mình mở ra và trái tim cũng rộng mở, đón chào những thứ thật sự được gọi là kiến thức. Những thứ mà truyền thông truyền thống không bao giờ nhắc tới hoặc chỉ nói qua loa đại khái mà thôi, nhằm đừng ai tìm hiểu về nó. Truyền thông chỉ nói với bạn rằng Israel là một nơi chiến tranh thảm khốc với Palestine. Truyền thông chỉ nhồi vào sọ bạn rằng nhắc đến Triều Tiên thì chỉ có những hoạt động của ông lãnh đạo mà không nhắc đến cuộc sống thực chất của người dân đang tệ hại thế nào, do đâu mà có.
Nhắc đến Ấn Độ thì chỉ có những tệ nạn hiếp dâm trên tin tức và những bài hát điệu nhảy từ đầu đến cuối ngày trong các bộ phim. Truyền thông hét lên với bạn rằng Việt Nam luôn luôn đang chuẩn bị giấy tờ để kiện Trung Quốc hoặc luôn nhắc nhở hai bên duy trì quan hệ keo sơn gắn bó mật thiết… Tất cả những gì chúng ta biết, đều là nhờ truyền thông, và tất cả chỉ đều là phần nổi của tảng băng chìm.
Bạn muốn hiểu biết, bạn phải tìm thông tin, đọc, nghiền ngẫm, đối chiếu và chọn cho mình một niềm tin mà mình tin tưởng. Đừng nghe mọi điều báo chí viết, đừng tin mọi điều báo chí nói. Vì những nhà báo họ cũng chỉ là những con người bị kiểm soát và lệ thuộc, không chỉ vào tòa soạn mà còn lệ thuộc vào tiền lương và tình hình chính trị cùng những giới hạn trong suy nghĩ và hiểu biết của chính họ. Bạn cần phải tìm hiểu những thông tin đa chiều khác nữa, mà cách duy nhất là… Google.
Google có thể cho bạn mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi trên đời. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi giới hạn khả năng tư duy của bạn. Hãy sử dụng công cụ này một cách khôn ngoan, tìm hiểu sâu điều mình muốn biết, thay vì muốn biết mọi điều mọi ngóc ngách cuộc sống này. Google nói riêng hay Internet nói chung còn có một tác hại, đó là nó làm cho ta lười suy nghĩ, lười vận động đầu óc, luôn chỉ thích những thứ có sẵn, những thứ đơn giản, dễ dàng.
Để hạn chế điều này và luôn hướng tới mục tiêu một người có đầu óc nhạy bén, hãy duy trì thói quen đọc sách và tranh luận. Mang theo một vài cuốn sách đến mọi nơi, tận dụng mọi khoảng thời gian trống để đọc, đọc như một thói quen, như một sở thích và như một hành động căn bản rèn luyện trí óc như cú đấm mà võ sĩ quyền anh và hành động sơn hàng rào cậu bé Parker phải làm mỗi ngày mỗi ngày vậy đó. Mới đầu bạn sẽ thấy chán nản và vô nghĩa, nhưng khi nó thành bản năng và thói quen của bạn, bạn sẽ nhận thấy sức mạnh của nó tác động lên cuộc đời bạn nhiều như thế nào.
Từ hai tháng nay khi sử dụng cách này, tôi cảm thấy sự hiểu biết và vốn kiến thức của mình tăng lên nhanh chóng, hơn hẳn những kiến thức vụn vặt góp nhặt trong hàng chục năm trước đây gom lại. Từ một kẻ nghiện tin tức vậy mà giờ đây nhiều ngày trôi qua tôi chả còn bận tâm đến những trang báo đó nữa. Không còn đau lòng và tức giận vì những tin tiêu cực tràn lan từ kinh tế cho đến xã hội, không còn chán nản hay ngán ngẩm khi phải đọc những tin tức nhảm nhí của showbiz, không còn tuyệt vọng vì cảm giác mình không làm được gì cho đất nước này, cho xã hội này.
Thay vào đó là một con người luôn hứng khởi tìm những chủ đề mới mẻ và tìm hiểu sâu về nó. Ngạc nhiên về những gì mình chưa biết hay thậm chí tức giận vì những gì mình đã biết đều sai bét be. Tôi không thích đi học, nhưng thật sự tôi đang học hỏi, học những cái mới, học miệt mài say mê và không hề muốn dừng lại.
Hãy dùng cuốn sổ tay như một trợ thủ đắc lực biến bạn thành một người ham học hỏi và hiểu biết. Bạn có thể ghi lại vào đây những tựa sách khiến bạn hứng thú hoặc được ai đó giới thiệu. Hoặc khi muốn tìm hiểu chủ đề nào, hãy ghi ngay vào sổ, chỗ bất kỳ hoặc vào mục việc cần làm trong ngày. Và khi có thời gian thì tìm hiểu, nghiên cứu về nó.
Cũng như mỗi khi bạn thắc mắc vấn đề gì trong cuôc sống, cũng ghi ngay vào sổ. Những câu hỏi ngắn như Bitcoin là gì? Tại sao tên đệm là Thị và Văn? Tại sao gọi người Hoa là Tàu?… Tôi dám cá nếu bạn làm theo cách này, chỉ trong vòng một năm, lượng kiến thức của bạn sẽ vô cùng lớn, hơn bất cứ đứa bạn cùng tuổi hay thậm chí hơn cả những người nhiều tuổi khác tối ngày chỉ dán mắt vào các kênh tin tức. Và cũng tin tôi đi, trở thành một người hiểu biết, được mọi người tôn trọng, là cảm giác rất tuyệt vời.
Nguyên tắc sống – Triết lý sống – trọng tâm cuộc đời
Sẽ có nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc bạn hoang mang, lo sợ và run rẩy vì không biết bám víu vào đâu. Vì những gì bạn tin tưởng đều tan biến. Đó thật sự là một cảm giác đáng ghét, và tồi tệ. Làm cách nào để ta đứng vững giữa muôn vàn cạm bẫy khó khăn thử thách? Làm cách nào để ta luôn hiên ngang vững vàng trên đôi chân mình và luôn mở rộng vòng tay chào đón những điều dễ thương của cuộc đời? Liệu có thứ gì luôn ở bên và giúp ta vượt qua những trở ngại? Thứ gì đó dẫn đường chỉ lối cho ta đi xuyên qua màn đêm sóng gió để đạt được điều mong muốn?
Để vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc, kiểu điểm tựa luôn luôn ở đó, luôn luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa bạn. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, hãy tìm kiếm một điểm tựa – một tâm điểm như thế. Thứ mà tôi gọi là “trọng tâm cuộc đời”. Là thứ bạn cần phải có và nên có, dù cho bạn tuổi thiếu niên, thanh niên hay khi đã trưởng thành. Hãy luôn xác định trọng tâm cho cuộc sống và làm mọi điều hướng về nó. Bạn sẽ không lạc lối và thất vọng.
Trọng tâm cuộc đời, chính là những nguyên tắc sống đúng đắn, những triết lý hay ho và cả những câu thần chú mang lại sức mạnh diệu kỳ cho bạn. Hãy dành một vị trí trang trọng trong cuốn sổ tay để ghi lại các nguyên tắc sống của bạn và những triết lý, những câu trích dẫn mà bạn thu thập được, dù vô tình hay cố ý.
Những nguyên tắc – triết lý sống của tôi là:
Sống ĐÚNG - ĐỦ - ĐẸP ngay từ đầu
Hãy cho đi bằng cả cái tâm trong sáng, nhưng đừng cho những thứ họ không cần
Rèn luyện thói quen hàng ngày: Vui - khỏe - có ích
Cách đơn giản nhất để giữ lời hứa, là đừng hứa gì cả
Có RÕ RÀNG mới DỄ DÀNG, hãy làm ĐÚNG NGAY TỪ ĐẦU
Nguyên tắc làm việc 3K: KẾ HOẠCH - KỶ LUẬT - KIÊN TRÌ
Hãy chép lại mọi câu nói, trích dẫn thú vị, ý nghĩa mà bạn biết. Một ngày nào đó, một trong các câu đó có thể giúp bạn vượt qua sóng gió trong đời hoặc thành công trong cuộc sống. Hay chí ít, hãy coi như đó là một bộ sưu tầm đơn giản và ý nghĩa nhất mà bạn có thể truyền lại cho con cái của mình.
Công dụng lớn nhất nhưng vô hình của sổ tay: giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả
Vì thời gian chính là chất liệu của cuộc sống, xin đừng lãng phí
Ngoài ra bạn có thể dùng sổ để viết: Nhật ký cảm xúc, suy tư mỗi ngày, viết thư cho chính mình trong tương lai.Nhật ký là một trong những cách trút bỏ cảm xúc một cách dễ dàng nhất. Nếu có thể bạn hãy viết lại những cảm xúc vui buồn của mình. Không cần câu từ hoa mỹ hay những lời dài dòng. Nhật ký cảm xúc đôi khi rất đơn giản, chỉ là những dòng ngắn gọn:
10/12 Khi nào kiếm được khoản tiền đầu tiên trong đời mình sẽ mua chiếc tivi cho gia đình...
Một lúc nào đó, bạn sẽ đọc lại những dòng này, có thể bạn sẽ cảm ơn nó nhiều đấy. Vì nó giúp bạn sống lại những cảm xúc đã qua một cách chân thực nhất để từ đó điều chỉnh hành vi, lối sống của mình.
Viết thư cho bản thân trong tương lai, là một cách để đặt kỳ vọng, mục tiêu. Cũng như một thước đo để sau này bạn đo được khả năng của bản thân thế nào. Bạn có thể viết thư cho bản thân mình trong tương lai một tuần tới, một tháng tới, xem quyết tâm đọc sách, tập thể thao của mình ở hiện tại có còn thực hiện không?
Thư cho bản thân thì viết sao chẳng được, không cần cầu kỳ hoa mỹ đâu nên dễ dàng lắm. Chẳng hạn như: “Hôm nay 1/10, ê tao của 10/10 ơi, cuộc sống có khác chút nào không? Đã quên được con bé XYZ bao nhiêu % rồi? Hiện tại lúc này là 90% nè. Mày đọc hết được cuốn sách tao đang bắt đầu chưa? Dám bắt chuyện với con bé lớp anh văn chưa hả? Mày mà chưa thì tao thất vọng về tao lắm đấy…”
Sức mạnh của thói quen: viết sổ tay là một thói quen siêu tốt
Hãy nghe những lời bộc bạch của thói quen trong cuốn sách nổi tiếng của Sean Covey này:
“Tôi ở đâu ư? Tôi luôn đồng hành cùng với bạn, trong bạn. Tôi có thể trở thành người trợ giúp đắc lực cho bạn nhưng cũng có thể là sự cản trở, là gánh nặng nhất của bạn. Tôi sẽ nâng bạn đến thành công hoặc biến bạn thành kẻ thất bại. Tôi sẽ luôn bên bạn và làm theo ý muốn của bạn.Điều khiến tôi là một việc dễ dàng, nhưng bạn phải kiên quyết với tôi. Cho tôi biết thật chính xác bạn muốn ứng phó một vấn đề nào đó ra sao, rồi sau một vài lần thực hiện, tôi sẽ thực hiện đúng như vậy. Tôi là bạn của những bậc anh hùng vĩ nhân, và cả của những người ti tiện, đớn hèn. Ở những người vĩ đại, tôi cũng họ tạo nên những điều vĩ đại. Ở những ai chủ bại, tôi ra tay đẩy họ đến đường cùng, mà chính họ không hề biết.Tôi không phải là một cái máy, dù vậy, tôi hoạt động với độ chính xác cao hơn một cái máy, cộng thêm trí thông minh của chính bạn. Bạn có thể sử dụng tôi để đạt tới thành công hoặc để tự hủy hoại mình. Vì với tôi hai điều đó không có gì khác biệt, chẳng có gì quan trọng.Hãy nắm lấy tôi, huấn luyện tôi, kiên quyết với tôi. Rồi tôi sẽ đặt cả thế gian dưới chân bạn. Hoặc hãy dễ dãi nuông chiều tôi. Rồi tôi sẽ tiêu diệt bạn. Đầu tiên, tôi chỉ là một suy nghĩ hoặc là một hành động tình cờ của bạn. Rồi tôi trở thành THÓI QUEN của bạn. Và cuối cùng, tôi là người điều khiển bạn!”
Hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ về sức mạnh của những thói quen cả. Và viết sổ tay mỗi ngày, chính là thói quen đơn giản nhất có thể thay đổi cuộc đời của bạn. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét