Mang khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ như mắc chứng khó đọc (dyslexia), tật viết sai chính tả, Richard Branson không thế vượt qua được những nam phổ thông trung học, không có cơ hội "lướt qua" đại học như Bill Gates nhưng cái tên Richard Branson vẫn được biết đến như một trong những tỷ phú có ảnh hưởng lớn nhất tại Anh và trên toàn thế giới. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt?
Bắt đầu từ báo chí
Thật là một sự mỉa mai! Tài năng của Richard Branson bắt đầu biểu hiện lại chính là trong khuôn viên nhà trường, nơi trú ngự những ác mộng của ông. Thất vọng với sự cứng nhắc của những nội quy, cung cách làm việc của nhà trường, và luôn cảm thấy nguồn năng lượng vô tận của thế hệ sinh viên thập niên 60. Thập kỷ đó xúc tiến văn hoá tuổi trẻ, trong đó uy quyền bị thách thức, các mốt thay đổi nhanh chóng và các ngôi sao nhạc rock được thanh niên vô cùng ngưỡng mộ. Chính trong không khí đó Branson quyết tâm cho ra đời tạp chí của mình nhằm vào bạn đọc lứa tuổi 16 đến 25. Nó sẽ bán quảng cáo cho các công ty lớn, sẽ đăng bài viết của các nghị viện, các ngôi sao nhạc Rock, những nhân vật tiêu biểu và các ngôi sao màn bạc.
Nhân viên, toà soạn đều là bạn bè, không được trả lương, mỗi ngày họ chỉ giúp cho anh vài giờ. Dần dần tổng lượng phát hành được 100.000 bản mỗi kỳ, anh thuê 10 người, luôn luôn ở giữa tình trạng trả nợ và thảm hoạ tài chính. Tuy nhiên đó là trường học quản lý đầu tiên của anh. Branson học được rất nhiều điều bổ ích nhưng quan trọng nhất có lẽ là học được nghệ thuật sống sót trong kinh doanh liều lĩnh. Richard Branson nhận được những trợ giúp nho nhỏ. Mẹ của Branson đã tài trợ 4 bảng để chi trả những khoản chi tiêu cho bưu điện và điện thoại. Tất cả những thứ đó cũng đủ cho một sự bắt đầu. Mọi người làm việc dưới tầng hầm nhà của Richard, tằn tiện cho mọi thứ để nuôi hy vọng và sự phát triển lâu dài cho tờ báo. Số báo đầu tiên ra mắt với trang bìa là hình của một sinh viên vẽ bởi Peter Blake – người đã thiết kế vỏ album Sergeant Pepper của ban nhạc huyền thoại The Beatles.
Tờ “Student” được ra mắt vào đầu năm 1968. Ông hiệu trưởng trường học của Richard Branson là Jonny đã viết: “Chúc mừng, Branson. Ta tiên đoán rằng một là anh sẽ kết thúc trong nhà tù hoặc sẽ trở thành tỷ phú.”Năm 1971, Richard Branson thành lập Virgin Mail, công ty chuyên bán lẻ đĩa hát qua thư đặt hàng và thắng to. Tiếp theo Công ty Virgin Records, chuyên thu âm các ban nhạc có tiếng ra đời và ông là bầu sô. Công ty này bành trướng thành tập đoàn âm nhạc lớn Virgin Group và năm 1992, ông đã bán đứt Virgin Group cho Tập đoàn âm nhạc Thorn - EMI với giá 1 tỷ USD, chuyển sang đầu tư cho ngành hàng không. Hãng hàng không Virgin Atlantic Airways được Branson thành lập năm 1984 với vỏn vẹn một máy bay... đi thuê lại của hãng khác, nay đã lớn mạnh trở thành Hãng hàng không lớn thứ 2 ở Anh (sau British Airways).
Năm 2001, sau khi Hãng hàng không Ansett (Australia) bị phá sản, thị trường nội địa nước này chỉ còn trơ lại có Qantas (cổ đông chính của Jetstar Pacific Airlines), Richard Branson có cơ hội cạnh tranh khốc liệt với Qantas bằng giá cả và chất lượng phục vụ. Sau đó là những thành công vang dội với Virgin Atlantic Airways, Branson đã tung tiền mua đứt hòn đảo Makepeace rộng 10,2 héc ta thuộc bang Queensland (Australia) và quyết định đầu tư thêm 3,2 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghỉ mát sang trọng để hàng năm các nhân viên của Virgin trên toàn cầu có cơ hội luân phiên đến đây nghỉ mát, an dưỡng. Con người là tải sản lớn nhất Tuy rất giàu có, song lối sống và cách sinh hoạt của Richard Branson lại rất bình dân. Branson không có máy bay riêng, xe hơi loại sang, để đi lại ông dùng một xe tầm tầm, thỉnh thoảng ông còn đến văn phòng làm việc của mình ở Sân bay quốc tế Heathrow (London) bằng tầu điện ngầm công cộng. Rủng rỉnh tiền là vậy mà bất cứ lúc nào trong người ông cũng không có quá 10 USD tiền mặt. Nhiều nhà phân tích lý giải, phong cách sống bình dân đã ăn sâu vào con người Branson và phần nào do ảnh hưởng của những năm tuổi thơ không mấy dễ chịu của ông. Đối với Branson thì "con người là tài sản lớn nhất", thể hiện ở phương châm: trước tiên là nhân viên, khách hàng là thứ hai, thứ ba là các cổ đông. Branson cho rằng nhân viên của ông phải được ưu tiên hàng đầu.
Ông đã tạo ra một không khí thân thiện, bình đẳng, không thứ bậc, hiểu nhau như là gia đình trong tất cả các công ty của mình. Branson cũng có vẻ ngoài rất trẻ và một nụ cười quyến rũ. Phong cách ăn mặc giản dị của ông cũng giúp phá đi tảng băng, nó khác với những bộ comple cắt may khéo của phần lớn các doanh nhân. Thay vì là một áo len dài tay và những chiếc quần bình thường đó là chưa kể đến bộ râu.
Trên hết cả Branson rất dễ gần và đáng yêu. Ai cũng muốn nói chuyện với Branson lâu hơn hoặc sẵn sàng cùng ông lao vào mạo hiểm. Tuy nhiên ông lại cực kỳ khôn ngoan trong cạnh tranh và rất sắc sảo trong giao dịch với các doanh nhân khác.Thiếu vẻ trịnh trọng ở Branson là điều không phổ biến đối với những người lãnh đạo tập đoàn nhưng lại làm người khác thấy dễ chịu thoải mái. Chính vì vậy người ta nhanh chóng nhận ra tại sao Branson lại thành công lớn trong quan hệ với con người và truyền được cảm hứng cho nhân viên trong công ty.
Ông dường như đã tránh được cái bẫy về địa vị của mình và vẫn giữ được tính khiêm tốn. Lợi thế cạnh tranh của Virgin là lâu bền và không thể bắt chước vì nó là tài năng sáng tạo của cá nhân trong Virgin. Các đối thủ có thể theo kịp những khả năng cốt lõi, nhưng chỉ cá nhân mới có thể liên tục sinh ra những cái mới và quan trọng.
Đặc điểm của Branson là xây dựng tập đoàn của mình qua sự tăng trưởng theo chiều sâu chứ không phải mua lại. Branson từng nói chuyện tại Học viên các Giám đốc Anh quốc rằng: "Cho tôi chia sẻ với các bạn triết lý đằng sau những kinh nghiệm của chúng tôi ở Virgin. Các nguyên tắc cơ bản là “Vấn đề con người” và “Nhỏ là đẹp". Từ đấy tôi muốn nói: phát triển DN quanh con người, xây dựng các tập đoàn chứ không phải mua chúng, làm cho nó tốt nhất chứ không lớn nhất. Triết lý cá nhân Branson là: "Cuộc đời ngắn ngủi, người ta phải làm cái tốt nhất, phải lựa chọn là anh hùng hoặc là chết. Do đó, nên làm những gì bạn muốn. Nếu như công việc và sở thích của bạn giống nhau, bạn sẽ làm việc được nhiều giờ hơn vì bạn có động cơ thúc đẩy".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét